Sau thu hoạch lúa Đông Xuân, cánh đồng ấp Ngã Ngay (xã Tân Long - Mang Thít - Vĩnh Long) không cày ải, mà xả nước tràn đồng với lý do để nhử lúa cỏ, lúa lai. Cách làm này nhận được sự đồng tình của nhiều nông dân, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng lợi bất cập hại.
Thả nước nhử lúa cỏ ở đồng Ngã Ngay. Ảnh chụp ngày 24/3/2015.
40% diện tích nhiễm lúa cỏ
Trong khi các cánh đồng lân cận đã cày ải sau vụ lúa Đông Xuân, thì tại cánh đồng ấp Ngã Ngay nước lại tràn đồng.
Nhiều nông dân tỏ ra bức xúc, vì “không cày ải, đất bị ẩm ướt suốt trong năm, đất không còn màu mỡ thì bà con phải tăng chi phí, giảm năng suất”. Và lo ngại: “tới khi thu hoạch lúa máy gặt đập liên hợp không hoạt động được vì bị lầy lún trong 2 vụ tới”- 13 hộ dân đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi Báo Vĩnh Long trình bày như vậy.
Người đại diện đứng đơn kiến nghị, ông Bùi Văn Bình- nông dân ở ấp Ngã Ngay, cho rằng: “Theo tôi, cách quản lý lúa lai thật sự không có gì khó, vì lúa lai lúc nào cũng tiềm ẩn trong đất, khi gieo sạ lúa phát triển tốt thì ta phải chịu khó nhổ bỏ lúa lai, nếu còn thì lúc lúa lai trổ, chịu khó cắt bỏ chứ không có gì khó”.
Điều này, theo ông Bình cần phải có sự cần cù và gắn bó thửa ruộng của mình. Vì dù rất bận rộn với công việc gia đình, nhưng một mình ông Bình vẫn canh tác tốt 21.000m2, mà không phải thuê mướn.
Chính vì thế, ý kiến của ông Bình và một số nông dân không hài lòng với phương pháp thả nước, bởi theo họ, chỉ một số ít thửa ruộng thiếu công chăm sóc mới nhiễm lúa cỏ nặng.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đậm - Phó Trưởng ấp Ngã Ngay, cho biết: “Khi triển khai kế hoạch mùa khô, ấp đã thông báo thả nước nhử lúa lai vì lượng lúa nằm trong đất rất lớn. Toàn ấp hiện có 97,5ha sản xuất lúa, trong đó có đến 40% diện tích nhiễm lúa cỏ.
Theo kế hoạch, ngày 30 tháng Giêng sẽ mở nắp quạt cho nước vô đồng, sau 5 ngày (mùng 5/2) sẽ rút nước ra để bà con cày xới, vệ sinh đồng ruộng, tới rằm tháng 2 xả nước trở lại chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Kế hoạch này được người dân thống nhất cao”.
Sau đó, một số nông dân đã gửi kiến nghị không đồng ý, xã Tân Long và ấp Ngã Ngay tiếp tục tổ chức một cuộc họp để thảo luận.
Theo ông Đậm: “Cuộc họp có 35 nông dân tham dự thì có 28 người thống nhất cho nước vào để cho lúa lộn, lúa lai lên và 7 người không đồng ý. Theo ý kiến thống nhất của số đông, chúng tôi đã cho nước vào nhử lúa lai, từ bờ Ông Cả đến đập Tầm Vinh. Do vậy, vụ này hơn 80ha không cày ải, mà chỉ xới sau khi xả nước ra”- ông Đậm nói.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp: phương pháp đã được khuyến cáo
Khẳng định phương pháp nhử lúa lộn, lúa lai không phải là mới, ông Lê Thành Phương- Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Ở ấp Tân Hòa (xã Tân Long) hay Cầu Ván (Tân Long Hội) mấy năm nay đã cho nước vào nhử lúa cỏ. Nhất là ở Tân Hòa, nông dân làm rất thành công.
Thu hoạch lúa xong, cày ải phơi đất trước sạ 7 ngày mới cho nước vào nhử lúa cỏ. Chúng tôi đã khuyến cáo Ngã Ngay đi học kinh nghiệm, nhưng họ làm sớm quá khi chưa kịp vệ sinh đồng ruộng”.
Ông Lê Thành Phương cũng cho rằng: “Về hướng chỉ đạo của UBND xã, toàn bộ diện tích trên địa bàn phải cày ải, phơi khô đất.
Nếu ấp nào có giải pháp xử lý lúa lộn, lúa lai phải tổ chức họp dân xin ý kiến thống nhất. Dù Ngã Ngay cho nước nhử lúa cỏ và không cày ải theo ý kiến tập thể, nhưng xã chỉ đạo bắt buộc phải tuân thủ lịch thời vụ gieo sạ vào con nước 25/2 âl”.
Cày ải và phơi đất là một giải pháp kỹ thuật ưu việt đem lại nhiều lợi ích, ngoài việc cải tạo hệ vi sinh vật trong đất, tăng cường lượng ôxy trong đất còn có tác dụng giải phóng chất khí độc có hại cho cây trồng như H2S, CH4 cải tạo chua phèn, đồng thời tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật hảo khí hoạt động, làm cho đất tơi xốp. Mặt khác, có tác dụng diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ mùa chuyển sang, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh là tiền đề cho năng suất cao...
Và việc không cày ải mà cho nước vào ruộng nhử lúa cỏ là giải pháp kỹ thuật, đúng hay sai?
ThS. Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng nguyên tắc chung sau thu hoạch lúa Đông Xuân phải cày ải phơi đất tối thiểu 3 tuần, tạo điều kiện gieo sạ vụ mùa sau tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Văn Liêm trong một số trường hợp, phương pháp cho nước vào đồng nhử lúa cỏ cũng đã được khuyến cáo áp dụng. Lúa cỏ nằm trong đất 2 năm vẫn lên được. Trong một số trường hợp như lúa nền, lúa cỏ rơi rụng quá nhiều do máy gặt đập liên hợp sẽ ảnh hưởng đến các vụ sau.
Vì thế, có 2 cách xử lý là: cày úp đất cho hạt lúa bị chôn vùi nhằm hạn chế nảy mầm; nếu lúa cỏ quá nhiều sử dụng cách cho nước vào nhử cho lúa cỏ, lúa nền lên rồi cày xới, vệ sinh đồng ruộng tiêu diệt.
Cũng theo ThS.Nguyễn Văn Liêm, phương pháp cho nước vào nhử lúa cỏ làm đất không khô, hạn chế cày ải nhưng giải quyết được lúa nền, lúa cỏ toàn diện hơn cách cày úp đất xuống.
“Đây là phương pháp được sử dụng nhiều và đã đưa vào khuyến cáo nông dân áp dụng. Xuất phát từ kinh nghiệm sản xuất của nông dân và nhà khoa học, thì diệt lúa cỏ có giải pháp nhử mọc lên để tiêu diệt”- ThS. Nguyễn Văn Liêm nói.
ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:
Ông bà ta quan niệm “một cục đất nỏ bằng một giỏ phân”, vì thế nguyên tắc chung thu hoạch lúa Đông Xuân xong phải cày ải phơi đất 3- 4 tuần. Trong tình huống nếu địa phương đưa nước vào đồng mà không phải diệt lúa cỏ là sai.
Còn để nhử lúa cỏ, ThS. Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo bà con nông dân phải đảm bảo quy trình: làm đất kỹ lưỡng, vệ sinh đồng ruộng tốt, chọn giống chất lượng, sạ đúng lịch thời vụ, bón phân đầy đủ…
Bài, ảnh: Trần Phước/ Báo Vĩnh Long
Post a Comment