0
Theo Cục BVTV, dịch bệnh trên hồ tiêu đang có dấu hiệu phức tạp. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu diễn ra bừa bãi đang gây nhiều nguy cơ tồn dư trên sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu. 

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu đang có dấu hiệu gia tăng

Thống kê của Cục BVTV cho thấy, tính tới cuối năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh đã lên tới trên 2.000 ha, chiếm 2,5% tổng diện tích gieo trồng; diện tích nhiễm bệnh chết chậm gần 3.300 ha, chiếm 4% tổng diện tích gieo trồng. Bệnh chết nhanh đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh trồng hồ tiêu, trong khi bệnh chết chậm chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, nhiều loại bệnh khác trên hồ tiêu như tuyến trùng rễ, bệnh thán thư, bệnh đốm đen lá, rệp sáp… cũng đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể đến đầu năm 2015, đã có khoảng trên 5.200 ha, chiếm 6,5% tổng diện tích gieo trồng nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; bệnh thán thư, đốm đen lá gây hại nặng cục bộ với tổng diện tích gần 1.500 ha; bệnh rệp sáp gây hại khoảng trên 1.700 ha trên toàn quốc. Đáng lo ngại là tỉ lệ nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên hồ tiêu được phòng trừ còn chiếm tỉ lệ khá nhỏ. Cụ thể, tỉ lệ phòng trừ bệnh chết nhanh đạt trên 23%; bệnh chết chậm chỉ đạt hơn 6%; bệnh tuyến trùng rễ chỉ đạt 6,2%... 

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, qua kiểm tra, mặc dù các loại dịch bệnh chỉ xảy ra cục bộ, rải rác, tuy nhiên mức độ thiệt hại lại rất nặng, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm có nơi diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và thiệt hại tới trên 70%

Trước tình hình đó, nhiều nơi nông dân đã mua thuốc BVTV về sử dụng bừa bãi, không theo quy trình, thậm chí có tình trạng DN kinh doanh phân bón và thuốc BVTV quảng cáo quá mức, thiếu trung thực khiến nông dân sử dụng phân bón như là thuốc BVTV gây thiệt hại kinh tế, làm bệnh có chiều hướng nặng thêm. 

Năm 2014, Cục BVTV đã chỉ đạo các đơn vị tại các vùng trồng hồ tiêu tổ chức khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV, kết quả cho thấy nông dân trồng hồ tiêu đã sử dụng thường xuyên tới 25 hoạt chất thuốc trừ sâu với 30 tên thương phẩm; 29 hoạt chất với 20 tên thương phẩm thuộc nhóm thuốc trừ bệnh… 

Nhiều nơi, đã có tình trạng nông dân sử dụng cả thuốc trừ nấm phổ rộng (Carbendazim) để xử lí, bảo quản hạt tiêu với mục đích chống mốc; sử dụng các loại thuốc trừ rệp, bọ xít lưới… chưa có đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu. Tình trạng này không chỉ vi phạm quy định về quản lí, sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam mà còn làm gia tăng nguy cơ tồn dư thuốc BVTV, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình xuất khẩu. 

Cụ thể cuối năm 2014, Cục BVTV đã lấy 30 mẫu hạt tiêu gồm 23 mẫu tiêu đen và 7 mẫu tiêu trắng trên thị trường hoặc tại các kho trữ hạt tiêu chuẩn bị xuất khẩu để phân tích dư lượng thuốc BVTV. Chỉ tiêu kiểm tra chính là 12 hoạt chất có nguy cơ tồn dư cao trên hồ tiêu, trong đó có 5 hoạt chất thuốc BVTV đã bị phía Đức phát hiện trước đó (gồm: Cypermethrin; Metalaxyl; Carbendazim; Permethrin và Propamocarb), ngoài ra Cục còn kiểm tra thêm 7 hoạt chất khác. 

Kết quả, đã phát hiện 12/30 mẫu có tồn dư thuốc BVTV (chiếm 40%), bao gồm 5 hoạt chất thuốc BVTV đã được phát hiện là Chlorpyrifos ethyl, Cypermethrin, Metalaxyl, Carbendazim và Permethrin. Trong đó, có một mẫu tiêu đen có dư lượng Cypermethrin vượt mức tối đa cho phép. Riêng hai hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Cypermethrin đều là những thuốc trừ sâu và có tần số phát hiện cao hơn hẳn các hoạt chất khác. 

Trước đây, năm 2013, EU đã từng cảnh báo 2 trường hợp hồ tiêu của Việt Nam bị nhiễm vi sinh vật. Các phòng thí nghiệm của Đức cũng đã phát hiện dư lượng của 5 hoạt chất thuốc BVTV trong hồ tiêu Việt Nam, bao gồm 2 hoạt chất thuốc trừ sâu và 3 hoạt chất thuốc trừ bệnh. 

Ban hành quy trình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm 

Trước tình hình nhiều loại dịch bệnh trên hồ tiêu diễn biến phức tạp, Cục BVTV vừa ban hành quy trình tạm thời về kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm, hai loại bệnh nguy hiểm nhất trên hồ tiêu hiện nay. 

Đối với biện pháp về giống, Cục BVTV khuyến cáo nông dân trồng các giống tiêu ít nhiễm bệnh như giống tiêu trâu làm gốc ghép, tiêu trung lá lớn, tiêu trung lá vừa, tiêu sẻ lá lớn. 

Chỉ sử dụng hom giống khỏe từ cây không bị bệnh; lựa chọn đất làm bầu ở vườn không bị bệnh phơi nỏ hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục làm bầu giống theo tỉ lệ 4 đất : 1 phân chuồng. Bổ sung chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma + xạ khuẩn Steptomices + vi khuẩn Bacililus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid để xử lí đất làm bầu. Xử lí hom trước khi đưa vào bầu bằng các thuốc trừ nấm có hoạt chất Fosetyl-aliminium 95%... 

Về biện pháp canh tác: Cần đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, sâu 40-50cm, khoảng cách 3 hàng ngang/rãnh; phơi ải đất trước khi trồng. Các vườn tiêu trồng lại trên đất đã xảy ra bệnh cần xử lí bằng vôi bột hoặc phân gà tươi từ 7-10 kg/hố, ủ tại hố trước khi trồng ít nhất 6-8 ngày và lấp đất dày trước khi trồng. Hằng năm, cần khử trùng bề mặt đất bằng vôi bột (không rắc trực tiếp vào rễ và cây) với lượng 1 tấn/ha chia đều làm 2 đợt, hoặc rắc vào rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh, nâng cao độ pH với lượng 5-7 tạ/ha… 

Về biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và các thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, akanoid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium kết hợp với phân vi sinh, phân hữu cơ hoai mục để trừ nấm và tuyến trùng gây bệnh trong đất… 

Về biện pháp hóa học, chỉ sử dụng các loại thuốc đã đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu. Những vườn đã có ổ bệnh chết nhanh từ vụ trước cần xử lí thuốc 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Xử lí tiêu mới chớm bệnh và vùng xung quanh bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất axit Phosphoric, Fosetyl-aluminium (95%), Metalaxyl, bổ sung các chế phẩm có chứa hoạt chất Chitosan sau những lần dùng thuốc. 

Đối với bệnh chết chậm, sử dụng các loại thuốc trừ tuyến trùng, trừ nấm bệnh, trừ rệp sáp để phòng trừ, xử lí thuốc 1-2 lần cách nhau 10-15 ngày, xử lí cả cây bệnh và vùng xung quanh cây bệnh. 

Dùng các thuốc trừ tuyến trùng vào đầu và cuối mùa mưa, nếu đã dùng chế phẩm sinh học thì chỉ sử dụng thuốc hóa học 1 lần vào tháng 4 hoặc tháng 10 hằng năm. Sử dụng thuốc có hoạt chất Carbendazim, Metalaxyl, Mancozeb… xử lí trừ nấm đất 1 - 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng cách tưới hoặc sục gốc. Lưu ý không được xử lí thuốc hóa học vào vị trí đã bón chế phẩm sinh học, nếu diện tích đã nhiệm bệnh cần xử lí thuốc hóa học thì phải xử lí trước khi bón chế phẩm 15-20 ngày.

Lê Bền/ nongnghiep.vn

Post a Comment

 
Top