0
Tại ĐBSCL, cá lóc đầu nhím được nuôi phổ biến, đem lại thu nhập tốt cho người nuôi. Trước tốc độ phát triển nhanh và mạnh của đối tượng này, TSVN chọn giới thiệu quy trình nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm hiệu quả.

Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích ao nuôi tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở, tuy nhiên thích hợp nhất là khoảng 1.000 - 5.000 m2 vì nếu diện tích ao quá lớn thì rất khó quản lý. Độ sâu ao nuôi lớn hơn 2 m, một số hộ nuôi có thể có thể tận dụng ao nuôi cá tra để nuôi nên độ sâu có thể lên đến 3,5 - 5 m. Trong ao, nên chuẩn bị 1 cái vèo có diện tích bằng khoảng 1/10 - 1/5 diện tích ao nuôi và đặt cách bờ khoảng 3 - 5 m, làm 1 cái cầu bằng gỗ để đi từ bờ ra vèo.

Sau khi đã chuẩn bị ao sạch sẽ thì cấp nước vào, bơm nước vào đầy ao qua lưới lọc để tránh cá tạp và địch hại vào ao ăn cá. Gây màu nước bằng hỗn hợp cám gạo (1 kg) + bột đậu nành (1 kg) hòa với nước ngâm qua đêm tạt đều cho 1.000 m2. Ngày tạt 2 lần, tối ngâm thì sáng tạt, sáng ngâm thì chiều (16 - 17 h) tạt. Hoặc tạt trực tiếp xuống ao 2 kg thức ăn cá công nghiệp dạng bột cho 1.000 m2 ao.

Thả giống

Chọn con giống đồng đều về kích cỡ, khỏe mạnh, màu sắc sáng đẹp, thân hình cân đối, không mang các dấu hiệu nhiễm bệnh. Tốt hơn hết người dân nên chọn mua tại các cơ sở sản xuất uy tín.

Tùy thuộc vào kỹ thuật của người nuôi mà tiến hành nuôi với mật độ thưa hay dày. Thường cá lóc giống được bắt về có kích thước lồng 4 - 6 cm và thả nuôi với mật độ 50 - 100 con/m2.

Người dân nên mua cá giống ở các cơ sở uy tín - Ảnh: Lê Hoàng Vũ 

Giống được thả vào vèo, do giai đoạn này cá còn nhỏ mình nuôi trong vèo dễ cho việc chăm sóc và quản lý hơn. Sau khi nuôi khoảng 2 tháng, cá đạt trong  lượng khoảng 100 - 180 g/con thì chúng ta tiến hành lọc lại cá và cho ra khỏi vèo, còn lại những con nhỏ quá mình có thể chuyển sang 1 ao nhỏ khác, làm thế này thì lúc thu hoạch cá của chúng ta sẽ đồng đều hơn.

Cho ăn 

Hiện nay cá lóc nuôi cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp có hiện tượng phổ biến là cá bị gù dao động 4 - 40% (gồm cá bị gãy xương, gãy lưng), loại cá này giá bán thấp hơn so với cá bình thường khoảng 10.000 đồng/kg. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào nói về nguyên nhân cá bị gù. Tuy nhiên, đa số người dân nuôi cá lóc thì cho rằng là do dùng thức ăn công nghiệp. Do đó khi chọn thức ăn công nghiệp cho cá chúng ta phải cẩn trọng, phải chọn loại thức ăn có người nuôi đã từng dùng và tỉ lệ gù không quá 5% thì có thể chấp nhận được.

Một kinh nghiệm quan trọng để phòng bệnh gù là trong giai đoạn đầu từ khi thả giống đến giai đoạn 2 tháng chúng ta cho cá ăn hỗn hợp thức ăn công nghiệp và cá biển. Cách cho ăn là xay cá biển nhỏ trộn với thức ăn viên với tỷ lệ 4kg cá biển trộn với 1 kg thức ăn viên. Sau đó rải từ từ trên sàng ăn, ở đây chúng ta cho ăn theo nhu cầu của cá, khi nào thấy cá bắt mồi hơi yếu thì ta ngưng cho ăn là vừa, tránh để thức ăn dư gây ô nhiễm nguồn nước.

Sau 2 tháng nuôi nếu nguồn cá biển giá còn rẻ và có đủ nhân công để cho ăn thì chúng ta vẫn nên nuôi kết hợp 2 loại thức ăn này. Nếu không đáp ứng được điều kiện trên thì chúng ta chuyển cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Để duy trì chất lượng nước nuôi, khoảng 7 ngày chúng ta thay nước khoảng 20 - 30% hoặc cấp nước thêm cho ao. Định kỳ (10 ngày/lần) dùng vôi bột hòa với nước tạt đều khắp ao để diệt mầm bệnh, liều lượng từ 2 - 3 kg vôi bột/100 m2.

Thu hoạch

Sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân khoảng 400 - 600g/con chúng ta có thể thu hoạch, tỉ lệ sống trung bình đạt khảng 80%, đối với thức ăn công nghiệp hệ số chuyển đổi thức ăn FCR khoảng 1,2 - 1,4 kg thức ăn/kg cá cá tùy thuộc vào loại thức ăn và kỹ thuật của người nuôi. 

Hiện tại chưa thấy tài liệu nào phân loại cá lóc đầu nhím. Theo một số tài liệu thì cá lóc đầu nhím là cá lóc được lai giữa cá lóc môi trề (Channa SP) và cá lóc đen (Channa stritus) .

Thạc sĩ Nguyễn Gia Hiển (Đại học Đồng Tháp)/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam


Post a Comment

 
Top