Bò “khổng lồ” là thành quả nổi bật nhất của ngành chăn nuôi Thủ đô, do Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội làm chủ dự án lai tạo giữa bò lai Sind với tinh bò BBB nhập khẩu.
Giống quyết định 60% sự thành bại của chăn nuôi bò. Muốn có một con bò tốt, người chăn nuôi cần nắm rõ về giống bò, kỹ thuật lựa chọn một số giống bò.
Các giống bò kiêm dụng chủ yếu
- Bò vàng Việt Nam: Phân bố rộng ở nhiều vùng trong nước và có một số biến động về màu sắc và thể vóc theo địa phương. Bò thường có sắc lông màu vàng, vàng nhạt hoặc vàng cánh dán.
Bò vàng có ngoại hình cân xứng, tầm vóc nhỏ. Khối lượng sơ sinh 14 - 15 kg, trưởng thành con cái 160 - 200 kg, con đực 250 - 280 kg.
Phối giống lần đầu vào khoảng 20 - 24 tháng. Tỷ lệ đẻ hàng năm khoảng 50 - 80%. Khả năng cho sữa thấp, khoảng 2 kg/ngày trong thời gian 4 - 5 tháng (chỉ đủ cho con bú).
Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ sữa rất cao (5 - 5,5%). Năng suất thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ 40 - 44%. Thịt hồng, ít mỡ, khẩu vị tốt, thơm.
- Bò Sind (Red Sindhi): Nguồn gốc từ vùng Sindhi (Pakistan), là giống bò kiêm dụng thường được nuôi theo phương thức chăn thả tự do.
Bò có màu lông đỏ cánh dán hay nâu thẫm. Bò đực có u vai rất to, khi trưởng thành có khối lượng 450 - 500 kg. Bò cái 350 - 380 kg.
Sản lượng sữa trung bình khoảng 1.400 - 2.100 kg/chu kỳ 270 - 290 ngày. Tỷ lệ mỡ sữa 5 - 5,5%.
- Bò Zebu Cuba: Là giống cho thịt kết hợp cày kéo. Bò được tạo ra từ bò Brahman, bò Indobrazyl và bò Gyr.
Bò có bốn loại màu sắc lông: Màu khói trắng (77,3%), màu khói xám (12,3%), màu đỏ cánh dán (8,3%), màu xám đen (2,1%). Con đực có u vai rất cao, khối lượng bê sơ sinh 24 - 25 kg, trưởng thành đực 775 - 808 kg, cái 383 - 592 kg.
- Bò BBB: Trong các giống chuyên thịt, bò BBB (Blanc- Bleu- Belge) có thể nói là đối tượng ưu tú nhất. Đây là giống bò của Bỉ. Màu lông chủ yếu là màu trắng, xanh lốm đốm, trắng lốm đốm. Bò có cơ bắp phát triển.
Khi trưởng thành bò đực có khối lượng 1.100 - 1.200 kg, bò cái 710 - 720 kg. Nếu nuôi dưỡng tốt bê 1 năm tuổi bê đực nặng trung bình 480 kg, bê cái 370 - 380 kg.
Bê 6 - 12 tháng có tăng trọng bình quân 1.300 gr/ngày. Bê đực nuôi dưỡng tốt giết thịt lúc 14 - 16 tháng tuổi cho tỷ lệ thịt xẻ 66%.
Dựa trên những đặc điểm ưu tú của bò “khổng lồ” BBB, người ta lai BBB với con lai Sind để ra bê F1 (BBB x lai Sind).
Khối lượng của bê sơ sinh 27 - 32 kg; tăng trọng 850 - 1.200 gram/ngày; 12 tháng đạt 300 - 350 kg; 18 tháng đạt 450 - 500 kg; Tỷ lệ thịt xẻ xấp xỉ 61%; Tỷ lệ thịt tinh 49 - 53%.
Bò khoẻ, ít bệnh, chất lượng thịt tốt, thịt thơm ngon.
Kỹ thuật chọn giống
Tiêu chuẩn chọn bò cái nền tham gia:
- Ngoại hình: Cho bò cái nền vận động, quan sát từ tổng thể tới từng bộ phận. Bò cái nền có ngoại hình tốt, nhanh nhẹn.
- Khối lượng: Bò cái nền phải có khối lượng cơ thể: ≥ 280 kg.
- Khả năng sinh sản: Chỉ chọn bò cái nền là bò đã đẻ từ lứa thứ 2 đến lứa 5, không có dị dạng cơ thể và cơ quan sinh dục ngoài.Chỉ phối giống cho bò sau khi đẻ ít nhất 45 ngày.
Theo dõi và quản lý giống bò: Người chăn nuôi phải ghi chép đầy đủ các sự kiện có liên quan đến bò. Ghi chép khả năng sinh trưởng phát dục: Khối lượng sơ sinh; 6 -12 tháng - phối giống - đẻ lứa đầu. Tuổi động dục lần đầu, tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu.
Nuôi dưỡng chăm sóc như: Loại thức ăn và số lượng thức ăn, phối giống (loại tinh, phối mấy lần, phối lúc nào, người phối giống). Vệ sinh phòng bệnh như tiêm phòng, bệnh tật...
Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo:
Chu kỳ động dục của bò thường từ 18 - 24 ngày, căn cứ lịch phối giống để theo dõi.
Những dấu hiệu điển hình của động dục ở bò là: Bò cái thường đi lại không yên, lông mông xù lên, dựng đuôi, tách rời những con khác khi được chăn chung trên cùng bãi chăn thả. Một vài giống bò đôi khi kêu rống để gọi bò đực đến.
Có thể giảm sự tiết sữa, ăn kém, đái rắt. Bò cái động dục cố nhảy lên con khác, hít ngửi con khác và những bò cái khác hít ngửi lại nó.
Những bò cái khác cố nhảy ôm và con bò động dục đứng yên chịu cho nhảy. Mép âm môn đỏ và sưng mọng, có thể nhìn thấy dịch nhờn chảy ra từ âm hộ, đôi khi bết ở đuôi hoặc vùng xung quanh mông.
Qua trực tràng có thể cảm nhận được trương lực của tử cung (cổ tử cung cứng, lỗ cổ tử cung hơi mở, sừng tử cung cong).
Thông thường người nuôi bò không thể nhìn thấy tất cả các dấu hiệu cùng một lúc. Một số dấu hiệu của động dục có thể không có hoặc quá yếu nên không thể quan sát được.
Đối với dẫn tinh viên, điều quan trọng không những phải hỏi người nuôi bò về lần dẫn tinh trước (hoặc xem qua sổ sách ghi chép về thụ tinh nhân tạo) và những biểu hiện đặc biệt của động dục, mà phải kiểm tra chính xác con bò qua trực tràng cảm nhận được trương lực của tử cung (cổ tử cung cứng, lỗ cổ tử cung hơi mở, sừng tử cung cong).
Để phát hiện động dục người ta thường áp dụng một số phương pháp sau: Quan sát. Dùng đực thí tình. Dùng chất chỉ thị mầu. Khám qua trực tràng.
Người chăn nuôi báo ngay cho dẫn tinh viên các thông tin: Tên, địa chỉ của chủ bò. Thời điểm phát hiện được bò động dục. Những biểu hiện của bò ở thời điểm thông báo.
Thời điểm phối giống: Phối giống sau khi bò động dục 14 - 16 giờ, khi bò có biểu hiện chịu đực.
Có thể phối giống theo quy luật sáng chiều: Phát hiện động dục buổi sáng phối giống vào buổi chiều (sau 12 giờ) và ngược lại. Sau khi phối để bò yên tĩnh theo dõi, ghi vào sổ theo dõi.
Vân Đình (nongnghiep.vn)
Post a Comment