Nuôi cá rô phi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra trong ao tôm, giúp tăng năng suất tôm nuôi.
Theo thông tin từ Đài PT-TH Sóc Trăng, môi trường vùng nuôi xuống cấp sau nhiều năm nuôi liên tục, quy trình nuôi thâm canh tăng mạnh thì ít nhất giải pháp nuôi cá rô phi trong ao lắng sẽ góp phần giảm bớt lượng thuốc, hóa chất đưa xuống ao nuôi. Cá rô phi còn giúp giảm áp lực khí độc dưới đáy ao nuôi tôm, như các nhà khoa học nhận định: “cá rô phi là máy lọc nước sinh học” cho ao nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho biết: “Môi trường xuống cấp nghiêm trọng, ở đây nhiều bà con trong hiệp hội cũng đã nuôi cá rô phi ghép trong ao nuôi, lấy nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm thời gian vừa qua bà con làm rất hiệu quả. Tuy nhiên đây là biện pháp nuôi để ổn định môi trường, hạn chế thuốc hóa chất nhất là môi trường nước trong ao rất tốt, ít tốn chi phí để xử lý”.
Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết thêm: “Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được hình thức nuôi cá phi trong ao, nuôi lồng, nuôi cá lấy nước nuôi tôm thì lợi ích khá lớn vì nguồn nước này có chứa các loại vi khuẩn có lợi. Nuôi ghép cá phi sẽ làm giảm các độc tố đáy ao tôm, như khí NH3 gây ô nhiễm nền đáy ao. Mặt khác khi lấy nguồn nước này thì các chất lơ lững trong ao nuôi rất hạn chế, có lợi cho nuôi tôm”.
Nuôi cá rô phi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra trong ao tôm. Theo thống kê thì ao nuôi cá rô phi có màu nước tốt, ít tảo tàn, môi trường ổn định. Cá rô phi có khả năng làm xanh nước, giảm sự phát triển vi sinh vật.
Cá rô phi là máy lọc nước sinh học” cho ao nuôi tôm, góp phần tăng năng suất. Ảnh minh họa
Hơn nữa, cá rô phi còn sử dụng xác tôm, cá, động vật thủy sản chết, từ nguồn nước lấy vào hệ thống ao lắng, nhằm hạn chế sự phát tán của sinh vật gây bệnh từ ngoài vào hệ thống nuôi. Như vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng để có nguồn nước chất lượng tốt, dùng trong ao nuôi tôm hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh.
Ao lắng nuôi cá rô phi có diện tích 20 - 25% diện tích mặt nước nuôi để dự trữ, chủ động nguồn nước có chất lượng phục vụ hệ thống nuôi tôm. Ao nuôi có diện tích 60 - 70% diện tích, còn lại là ao chứa nước thải.
Thiết kế ao theo kiểu tuần hoàn. Nước ao nuôi sau khi thay được chảy sang ao nước thải; ở đây nước được lắng cặn một phần, sau đó được bơm sang ao lắng. Ở ao lắng cá rô phi hoạt hóa để có chất lượng tốt cung cấp lại cho ao nuôi. Trước khi nuôi, cần tiến hành các bước cải tạo và chuẩn bị ao theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Khi chuẩn bị ao nuôi cần đầm, nén kỹ hoặc lót bạt để chống rò rỉ nước. Mật độ cá rô phi ít nhất 4 - 5 con/m2, không cho cá ăn trong suốt quá trình nuôi. Cá rô phi được nuôi trong ao lắng ít nhất một tháng trước khi thả tôm giống để ổn định môi trường nước. Cấp nước từ ao lắng vào cung cấp cho hệ thống nuôi tôm đến khi mực nước đạt 1,2 - 1,5 m.
Khi cấp nước vào ao nuôi, dùng lưới chắn cá có kích thước mắt lưới 2a = 5mm. Trong quá trình nuôi, định kỳ bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi một tuần một lần. Sau khi cấp nước từ ao lắng vào hệ thống nuôi, cần bổ sung nước vào hệ thống ao lắng, để có thời gian cá rô phi hoạt hóa, để có nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho ao nuôi tôm, theo thông tin từ Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Thái Hà (Vietq)
Post a Comment